Rộng mở vốn FDI vào lĩnh vực công nghệ cao
Việt Nam đang trở thành “điểm hội tụ” của những “ông lớn” công nghệ thế giới với những dự án hàng trăm triệu USD, thậm chí cả tỷ USD…
Dòng vốn FDI vào Việt Nam trong nhiều năm qua đã và đang “tạo lập” xu hướng mới, đó là tập trung vào các công nghệ xanh, sạch, những lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao. Không chỉ những dự án khởi nghiệp (startup) về công nghệ tài chính, giáo dục, trí tuệ nhân tạo hút vốn tới hàng chục triệu USD, Việt Nam còn đang trở thành “điểm hội tụ” của những “ông lớn” công nghệ thế giới với những dự án hàng trăm triệu USD, thậm chí cả tỷ USD…
Ở góc độ vốn FDI rót vào startup, diễn biến hoạt động đầu tư mạo hiểm trong 10 năm qua cho thấy đầu tư vào startup Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Từ chỗ chỉ có vài thương vụ với tổng giá trị trong năm 2013 chỉ khoảng 10 triệu USD, số vốn đầu tư bắt đầu tăng mạnh ở các năm tiếp theo, nhất là từ năm 2019 và đạt đỉnh vào năm 2021 với 165 thương vụ với tổng giá trị tới 1,442 tỷ USD.
HÚT VỐN VÀO LĨNH VỰC CÔNG NGHỆ TÀI CHÍNH, GIÁO DỤC, TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
Tuy nhiên, con số này lại giảm trong hai năm qua. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bấp bênh như hiện nay, hoạt động đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam đã chững lại, đánh dấu mức giảm hai năm liên tiếp kể từ năm 2021. Trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị các thương vụ đã giảm 13%, chỉ đạt 427 triệu USD. Xu hướng này thể hiện rõ hơn ở mức giảm mạnh 40% trong số lượng thương vụ, chạm mức thấp nhất kể từ năm 2018 với 56 giao dịch được ghi nhận.
Theo số liệu báo cáo của Do Venture và NIC, ngoại trừ các vòng đầu tư giai đoạn sau, số lượng giao dịch cũng đã giảm đáng kể ở các thương vụ với quy mô gọi vốn nhỏ và trung bình, với mức giảm đáng kể nhất là 50% trong các thương vụ có giá trị dưới 500 nghìn USD. Số lượng giao dịch trong phạm vi 10 – 50 triệu USD giảm không đáng kể. Xu hướng này cho thấy sự có mặt ngày càng nhiều của các công ty công nghệ “trưởng thành” trong hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam.
Theo bà Lê Hoàng Uyên Vy, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của Do Ventures, trong bối cảnh thách thức hiện nay, việc gọi vốn ngày càng trở nên khó khăn khi các nhà đầu tư rất thận trọng với quyết định giải ngân. Cùng với sự sụt giảm về số lượng thương vụ, giá trị đầu tư cũng giảm rõ rệt ở các vòng đầu tư giai đoạn đầu, cho thấy sự thận trọng và khắt khe của các nhà đầu tư ngay cả với các khoản đầu tư quy mô nhỏ. Trong khi giá trị trung bình của các vòng Pre-A và Series A tiếp tục tăng lên, giá trị trung bình của các vòng Series B giảm 44%. Điều này cho thấy tác động mạnh mẽ của thị trường vốn đang thu hẹp lên các công ty ở quy mô tăng trưởng.
Nói về “khẩu vị” của các quỹ đầu tư ngoại trong năm 2024, bà Nguyễn Ngọc Hương Thảo, đại diện của Quỹ đầu tư AVV, cho rằng trong một thị trường còn non trẻ như Việt Nam, gần như tất cả các ngành đều mở ra nhiều cơ hội cho startup phát triển và thu hút vốn đầu tư. Tuy nhiên, mỗi quỹ đầu tư lại có những sở thích và ưu tiên riêng biệt trong việc chọn lựa.
“Một số lĩnh vực luôn nhận được sự quan tâm ưu tiên từ nhiều quỹ đầu tư, đặc biệt là do độ lớn của thị trường và thời điểm thuận lợi mà chúng mang lại cho các startup, ví dụ như lĩnh vực công nghệ tài chính, công nghệ giáo dục, cũng như các startup sử dụng trí tuệ nhân tạo để số hóa các ngành truyền thống, đều là những mảng tiềm năng sẽ thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của các quỹ đầu tư trong năm 2024 và cả trong thời gian tới”, bà Thảo cho hay.
Hoạt động huy động vốn từ các nhà đầu tư của các startup trong năm 2024 từ các quỹ ngoại vẫn có thể đối mặt với nhiều khó khăn. Bà Hoàng Thị Kim Dung, Giám đốc Quốc gia của Genesia Ventures Vietnam, hy vọng các startup sẽ “tập trung hơn vào bên trong” để tồn tại, nghĩa là phải tối ưu chi phí và đa dạng hóa các nguồn thu, để đảm bảo dòng tiền của doanh nghiệp. “Startup sẽ cần tập trung vào sản phẩm cốt lõi, mang lại giá trị thực sự để thuyết phục khách hàng tới và ở lại sử dụng, thay vì theo đuổi chiến lược “đốt tiền” để có được khách hàng bằng mọi giá”, bà Dung chia sẻ.
Về phía các startup, việc tập trung vào các sản phẩm cốt lõi vẫn được xem là yếu tố then chốt giúp thu hút dòng vốn đầu tư, đặc biệt từ các quỹ ngoại có quy mô lớn. Ông Trần Hoài Văn, Giám đốc vận hành (COO) của Actable AI (một startup AI được sáng lập bởi đội ngũ người Việt tại Anh và đang phát triển các sản phẩm cho các thị trường khác nhau trong đó có Việt Nam) cho biết: trên thực tế, nguồn đầu tư hiện nay đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu.
“Điều quan trọng là doanh nghiệp có được một mô hình kinh doanh hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thị trường và có khả năng thâm nhập vào các thị trường mới. Khi đó, nguồn vốn đầu tư sẽ không còn là vấn đề quá lớn. Do đó, cần tìm ra những mô hình kinh doanh phù hợp với thị trường cụ thể, như các dự án trợ lý ảo được tùy chỉnh cho nhu cầu của Việt Nam”, ông Văn nhấn mạnh.
XU HƯỚNG FDI VÀO CÁC DỰ ÁN XANH, SẠCH, CÓ HÀM LƯỢNG CÔNG NGHỆ CAO
Bên cạnh nguồn vốn vào lĩnh vực khởi nghiệp, đối với lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, từ nhiều năm qua, nhất là giai đoạn từ sau năm 2019 đến nay, khi Bộ Chính trị chính thức ban hành Nghị quyết 50 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 (tháng 8/2019), dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam đã có tính chọn lọc hơn, tập trung vào những lĩnh vực công nghệ cao, những ngành mang tính chất mũi nhọn và có tính lan tỏa.
Điển hình là hàng loạt các dự án FDI chất lượng cao, như: sản xuất điện thoại, linh kiện điện tử, sản xuất chip đã tới đầu tư vào Việt Nam. Đơn cử như Tập đoàn Amkor đầu tư 1,6 tỷ USD vào Khu công nghiệp Yên Phong 2 (Bắc Ninh) để xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn. Đây cũng là nhà máy bán dẫn lớn nhất thế giới của Amkor (đã chính thức đi vào hoạt động từ tháng 10/2023).
Trước đó, tháng 9/2023, Hana Micron Vina (Hàn Quốc) – doanh nghiệp sản xuất và gia công bảng vi mạch tích hợp sử dụng cho điện thoại di động và các sản phẩm điện tử thông minh khác – cũng đã chính thức khánh thành nhà máy sản xuất chất bán dẫn của Công ty Hana Micron Vina tại Khu công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên (Bắc Giang). Đây là dự án sản xuất chất bán dẫn đầu tiên tại miền Bắc. Lãnh đạo Hana Micron Vina cho biết đến năm 2025, công ty có kế hoạch tăng tổng mức đầu tư lên trên 1 tỷ USD, doanh thu hàng năm dự kiến đạt 800 triệu USD và tạo ra 4.000 việc làm cho người lao động Việt Nam.
Công ty Luxshare-ICT Việt Nam, thuộc tập đoàn đa quốc gia Luxshare-ICT của Trung Quốc, tháng 11/2023 đã đầu tư thêm 330 triệu USD để mở rộng nhà máy sản xuất tại Bắc Giang, nâng tổng số vốn của công ty này tại tỉnh Bắc Giang lên 504 triệu USD. Luxshare-ICT là nhà sản xuất Airpods và nhiều thiết bị khác cho Apple. Luxshare – ICT ngoài ra cũng đầu tư vào Nghệ An 290 triệu USD với hai dự án là Luxshare ICT 1 trị giá 140 triệu USD và Luxshare 2 trị giá 150 triệu USD tại Khu công nghiệp VSIP Nghệ An (Hưng Nguyên), để sản xuất linh kiện điện tử.
Một tập đoàn công nghệ khác là Quanta – tập đoàn lớn về sản xuất thiết bị máy tính của Đài Loan (Trung Quốc) – trong năm 2023 cũng đã ký với tỉnh Nam Định thỏa thuận phát triển dự án sản xuất và gia công máy tính xách tay và máy tính để bàn tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận (huyện Mỹ Lộc) với tổng mức đầu tư dự kiến lên tới 120 triệu USD.
Tại Hải Phòng, tháng 6/2023, tỉnh này đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh tăng vốn cho dự án Nhà máy LG Innotek Hải Phòng giai đoạn 2023 – 2025 với số vốn 1 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư của dự án lên hơn 2 tỷ USD, để xây dựng nhà máy V3 sản xuất modul camera xuất khẩu; tạo thêm 2.600 việc làm cho người lao động, lợi nhuận dự kiến đạt 400 triệu USD/năm và nộp ngân sách khoảng 100 tỷ đồng/năm. Tập đoàn LG là nhà đầu tư lớn nhất tại Hải Phòng với tổng vốn đầu tư 7,24 tỷ USD, chiếm 37% tổng vốn FDI toàn thành phố (tính tới thời điểm giữa năm 2023).
Như vậy, với hàng loạt các dự án được triển khai trong năm 2023, cùng với các “ông lớn” công nghệ vào Việt Nam trước đó như Intel, Samsung,… cho thấy việc thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao và thúc đẩy chuyển giao công nghệ tại Việt Nam đã và đang đạt được những kết quả tích cực.
Nhiều chuyên gia cho rằng từ thực tiễn dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong thời gian qua, có thể thấy đã xuất hiện xu thế mới, theo đó vốn FDI tập trung vào các lĩnh vực công nghệ xanh, sạch và đi vào những lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao như sản xuất chip, chất bán dẫn. Đây chính là những điểm tích cực của dòng vốn FDI vào Việt Nam trong những năm gần đây.
Mặc dù vậy, những dấu hiệu trên cũng đặt ra cho Việt Nam những yêu cầu mới về vấn đề nhân sự trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn, đòi hỏi phải có giải pháp thích ứng để hấp thụ dòng vốn đầu tư chất lượng cao từ các tập đoàn nước ngoài.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng để giữ chân được những tập đoàn công nghệ lớn, ngoài việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách ưu đãi thuế, phí, đất đai phù hợp, Việt Nam cần chuẩn bị đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, nhà xưởng, điện, nước, hạ tầng xã hội và đặc biệt là nhân lực nội địa chất lượng cao.
Nguồn: vneconomy.vn