Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA)
Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA) được ký kết vào ngày 25/12/2008 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/10/2009. Hiệp định VJEPA có nội dung toàn diện, bao gồm nhiều lĩnh vực như thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, di chuyển của thể nhân. Theo đó, vào năm cuối của Lộ trình giảm thuế (2026), tức là sau 16 năm thực hiện Hiệp định, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế quan đối với 90,64% số dòng thuế, trong đó xóa bỏ thuế quan ngay tại thời điểm Hiệp định có hiệu lực đối với 29,14% số dòng thuế. Các dòng thuế còn lại là các dòng thuế CKD ô tô và các dòng thuế nhậy cảm duy trì thuế suất cơ sở hoặc không cam kết cắt giảm chiếm khoảng 9%, tập trung vào một số nhóm Rượu, thuốc lá, một số sản phẩm hóa chất, chất nổ, cao su, bông, vải, sắt thép…..
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 25/2015/BTC-TT ngày 14/2/2015 về việc ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam thực hiện Hiệp định VJEPA tiếp tục cho giai đoạn 2015-2018. Theo đó, tính tới thời điểm 1/4/2015, Việt Nam cam kết xóa bỏ tổng số 32,92% các dòng thuế trong Hiệp định VJEPA. Cho tới thời điểm 1/4/2018, số dòng thuế cắt giảm thuế nhập khẩu về 0% của Việt Nam sẽ chiếm 41,78% tổng biểu.
Cam kết cắt giảm thuế của Nhật Bản cho Việt Nam
Tính tới thời điểm ngày 1/4/2015, Nhật Bản đã xóa bỏ thuế quan đối với 923 dòng các sản phẩm nông nghiệp từ Việt Nam. Đến năm 2019, sẽ có thêm 338 dòng thuế nông nghiệp khác sẽ được xóa bỏ thuế. Đối với các mặt hàng công nghiệp của Việt Nam, phần lớn được hương thuế suất 0% ngay khi Hiệp dịnh có hiệu lực như linh kiện điện tử, máy móc, thiết bị, điện thoại, máy vi tính, đồ điện gia dụng, sản phẩm nhựa, giấy…
Đến cuối lộ trình vào năm 2026, Nhật Bản cam kết xóa bỏ thuế quan đối với 96,45% tổng số các dòng thuế đối với các sản phẩm có xuất xứ từ Việt Nam, tập trung chủ yếu ở các nhóm nông sản, thủy sản, hàng dệt may, giầy dép, đồ gỗ, linh kiện điện tử,…
(Nguồn: http://investvietnam.gov.vn/)