Khẳng định sức hút của môi trường đầu tư tại Việt Nam
NDO – Tờ Thương mại quốc tế – cơ quan ngôn luận của Bộ Thương mại Trung Quốc mới đây đăng bài viết đánh giá cao môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, nhất là những nỗ lực, kết quả thu hút đầu tư nước ngoài thời gian qua và triển vọng trong tương lai.
Với nhan đề “Việt Nam tích cực thu hút đầu tư nước ngoài”, bài báo cho biết, những năm gần đây, cùng sự phát triển ổn định của nền kinh tế, Việt Nam ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài, luôn dẫn đầu khu vực Đông Nam Á trong lĩnh vực thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
So với các nước Đông Nam Á khác, nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn Việt Nam bởi ưu thế đến từ thể chế chính trị ổn định, lực lượng lao động dồi dào và lành nghề. Những năm gần đây, các ngành công nghiệp bán dẫn và công nghệ cao của Việt Nam thu hút nhiều sự quan tâm của thế giới.
Dẫn số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đến ngày 20/1/2024 (đạt hơn 2,36 tỷ USD, tăng 40,2% so cùng kỳ năm 2023), tác giả bài báo đánh giá, Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) với hơn 60 quốc gia trên thế giới, có quan hệ đối tác với nhiều nước thành viên trong nhóm G20, dự báo thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt trong năm nay và giai đoạn tiếp theo.
Cũng theo bài báo, Chính phủ Việt Nam khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư, kinh doanh với phương châm “Thành công của các nhà đầu tư cũng là thành công của Việt Nam”, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư cùng phát triển, cùng có lợi, với nhiều chính sách ưu đãi về thuế, nhà xưởng, lao động, cung ứng nguyên liệu, hạ tầng, chính sách, pháp luật…
Lý giải về những nhân tố chủ yếu đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, bài báo cho rằng, trên 70% dân số Việt Nam là người dưới 35 tuổi và có trình độ học vấn và kỹ thuật khá cao, tạo thành nguồn lực lao động dồi dào, giá rẻ; ngoài ra, Việt Nam còn có văn hóa khởi nghiệp rất mạnh mẽ.
Theo tác giả bài báo, Việt Nam có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, thị trường tiêu dùng tăng trưởng nhanh và môi trường chính sách không ngừng được hoàn thiện, tạo ra tiềm năng thị trường rất lớn mà các nhà đầu tư có thể khai thác.
Cụ thể, nằm ở bán đảo Đông Dương, khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có vị trí địa lý rất thuận lợi, ba mặt giáp biển, địa hình dài và hẹp, phía bắc giáp Quảng Tây và Vân Nam của Trung Quốc, phía tây giáp Lào và Campuchia, phía đông giáp biển với đường bờ biển dài tới 3.260km.
Bài báo khẳng định, từng là một nước nông nghiệp, với diện tích canh tác nông, lâm nghiệp chiếm tới 60%, những năm gần đây, Việt Nam dần phát huy rõ nét vai trò của ngành sản xuất, xuất khẩu điện thoại, máy vi tính và linh kiện điện tử, quy mô nền kinh tế không ngừng mở rộng, với cơ cấu hài hòa, mức độ mở cửa với bên ngoài ngày càng cao, hình thành nên bố cục lấy kinh tế nhà nước làm chủ đạo, các thành phần kinh tế cùng nhau phát triển.
Nguồn: Báo nhân dân